Triết lý thông khí nhân tạo - SÁCH VỀ MÁY THỞ - THE VENTILATOR BOOK

Xem





 Triết lý thông khí nhân tạo


Thông khí nhân tạo là một công cụ tuyệt vời. Sự sinh ra của chăm sóc tích cực hiện đại ngày nay xảy ra tại Copenhagen vào năm 1952, khi Bjorn Ibsen nhận ra rằng thông khí áp lực dương có thể cứu sống bệnh nhân trong thời kỳ đại dịch bại liệt khi phổi sắt (máy thở áp lực âm) thất bại. Hầu hết nguyên nhân phổ biến phải nhập khoa điều trị tích cực đều cần thông khí nhân tạo hỗ trợ. Kết hợp của ống nội khí quản và thông khí áp lực dương đã cứu sống hàng trăm nghìn người, nếu không muốn nói là hàng triệu người.

Tương tự như vậy, thông khí nhân tạo đã kéo dài cuộc sống của hàng ngàn người bị chấn thương tủy sống và các bệnh thần kinh cơ tàn phá. Máy thở gắn vào xe lăn cho phép những bệnh nhân mắc các chứng bệnh này tham gia vào cuộc sống, theo đuổi sở thích của họ và nói chung là sống một cuộc sống mà cách đây nửa thế kỷ không thể có được. Quả thật, phát minh này đã có tác động tích cực đến rất nhiều người.

Tuy nhiên, cũng như trường hợp của bất kỳ công nghệ nào, có khả năng bị lạm dụng. Điều cần thiết là bất kỳ ai làm việc trong một đơn vị chăm sóc đặc biệt phải nhớ Điều khuyên thứ Ba (Third Commandment) - rằng máy thở là một phương tiện hỗ trợ, và không phải là phương pháp chữa trị cho bất kỳ tình trạng nào. Nói cách khác, thật ngu ngốc khi tin rằng việc áp dụng thở máy có thể đẩy lùi bệnh phổi mãn tính, bệnh ác tính, suy tim sung huyết, hoặc bất kỳ bệnh và chấn thương nào dẫn đến suy hô hấp. Máy thở tồn tại để duy trì các chức năng hô hấp và trao đổi chất của phổi cho đến khi bệnh nhân khỏi bệnh. Một mình nó không thể làm cho bệnh nhân tốt hơn. Đây thực sự là một điểm bị mất đối với nhiều bác sĩ, những người tin rằng những chỉnh sửa và điều chỉnh nhỏ đối với máy thở sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi của bệnh nhân sau suy hô hấp cấp tính.

Nếu điều quan trọng là bác sĩ phải hiểu bệnh sử tự nhiên và quá trình diễn biến (trajectory) bệnh của bệnh nhân, thì điều quan trọng không kém là bác sĩ phải trao đổi thông tin này cho bệnh nhân và gia đình của họ bằng những từ ngữ ngắn gọn, dễ hiểu và thậm chí thẳng thắn. Một cuộc sống tàn lụi được kết nối với máy thở có thể được chấp nhận đối với một bệnh nhân mắc chứng xơ cứng teo cơ, người có thể cần thở máy nhưng có thể nói chuyện, tương tác và tham gia vào những gì mà anh ta cho là chất lượng cuộc sống chấp nhận được. Đó là một vấn đề hoàn toàn khác đối với một bệnh nhân bị xuất huyết não lớn đang hôn mê, và dự kiến sẽ hôn mê, nếu không muốn nói là suốt phần đời còn lại. Mặc dù bệnh nhân hoặc gia đình của anh ta có thể coi đây là một sự tồn tại đáng giá, nhưng bác sĩ nên thông báo cho họ về những thực tế rõ ràng để bảo tồn cuộc sống trên máy thở (bao gồm các vấn đề về y tế, xã hội và tài chính) trước khi họ theo đuổi lựa chọn điều trị này.

Vậy, một bác sĩ, y tá, bác sĩ chuyên khoa hô hấp tận tình, chu đáo phải làm gì? Sự lạc quan không có cơ sở có thể có hại, nhưng chủ nghĩa hư vô bi quan (pessimistic nihilism) quá mức cũng có thể gây hại. Hầu hết bệnh nhân suy hô hấp sẽ hồi phục sau khi khỏi bệnh hoặc chấn thương; hiếm khi phụ thuộc máy thở thực sự, nghĩa là cần thở máy hơn một năm sau đó. Đây là những gì chúng tôi có thể làm:

 

1. Bảo vệ phổi khỏi tổn thương do nhân viên y tế gây nên (bao gồm thăm khám và điều trị). Sử dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và sinh lý học để cài đặt máy thở.

2. Điều trị kịp thời và tích cực khi bị bệnh hoặc bị thương.

3. Không có bệnh nào được điều trị hiệu quả bằng bỏ đói. Hỗ trợ dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng.

4. Mọi người không phải nằm trên giường cả ngày. Trừ khi bệnh nhân hôn mê, sốc hoặc suy hô hấp nặng, thì đã đến lúc bắt đầu đưa bệnh nhân ra khỏi giường và ngồi vào ghế. Thậm chí, đi bộ. Tôi sẽ nói thêm rằng điều này, tất nhiên, đòi hỏi một ý thức mạnh mẽ. Vận động một bệnh nhân với mở xương ức có thể không phải là một ý kiến hay. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi có nhiều bệnh nhân nằm ngửa trong suốt thời gian ở ICU. Không có lợi cho sức khỏe.

5. Khi bệnh nhân có vẻ hồi phục, bắt đầu đánh giá mức độ sẵn sàng rút nội khí quản mỗi ngày.

6. Hãy kiên nhẫn. Nó có thể mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ.

7. Sau khi nhận thấy rõ bệnh nhân sẽ phải thở máy kéo dài, hãy tiếp tục mở khí quản. Không cần phải chờ đợi một số ngày tùy ý.

8. Chú ý đến những vấn đề nhỏ như dự phòng DVT, chăm sóc da, ngăn ngừa mê sảng.

9. Hãy kiên nhẫn. Và…

10. Hãy nhớ rằng bệnh nhân của bạn là một đồng loại với bạn cùng với những mong muốn, nhu cầu, sự quan tâm và lo lắng có thể giống với bản thân bạn. Bệnh nhân xứng đáng được nói chuyện, ngay cả khi họ không thể nói lại. Họ xứng đáng được tôn trọng, mặc dù họ có thể không thể đáp lại sự tôn trọng đó. Họ xứng đáng có được những điều cơ bản về lòng tốt và sự cảm hóa của con người. Hãy nhớ rằng họ đã đặt cuộc đời mình vào tay bạn. Công việc của bạn không phải là một công việc dễ dàng và không phải là công việc mà hầu hết mọi người đều có thể làm được. Sự công nhận rằng bạn đã ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của người khác theo cách mà ít ai có được là phần thưởng lớn nhất của nghề nghiệp tuyệt vời này.

 

Sách được biên dịch bởi: Nguyễn Thành Luận - Khoa ICU, Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An. Sách gồm phần giới thiệu - Sinh lý thông khí nhân tạo. Gồm có 26 Chương. Cung cấp: các Hướng dẫn giải quyết nhanh ở chương 1 và chương 2; Sinh lý và kỹ thuật từ chương 3 đến chương 8; Các chế độ thông thường và khái niệm cơ bản từ chương 9 đến chương 15; Các chế độ và khái niệm nâng cao từ chương 16 đến chương 15; Các bước tiếp theo chương 22 và chương 23; Các công cụ hữu ích có trong chương 24 đến chương 26; Với hơn 70 tài liệu tham khảo.

Với mong muốn cung cấp đến mọi người phiên bản Web, Blog chia sẻ trực tuyến không cần lưu trữ. Khi cần có thể đọc trên điện thoại, máy tính hoặc có thể tải về làm tài liệu cho đơn vị thật để dàng.

 


* Bạn có thể Đọc thêm:


Phổ biến trong tuần

Tin mới