Những điều cần biết về Bệnh đái tháo đường type 2

Xem

 ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2


1. ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?
- Đái tháo đường là bệnh mãn tính, với biểu hiện lượng đường trong máu tăng cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
- Đái tháo đường type 2: Chiếm 90-95% người bị đái tháo đường trên thế giới, do giảm chức năng tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin. 





2. YẾU TỐ NGUY CƠ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2
Tiền sử gia đình có người mắc ĐTĐ.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Tiền sử ĐTĐ thai kỳ
- Hạn chế hoạt động thể lực
- Tuổi cao; Chủng tộc/dân tộc
- Thừa cân
- Tăng huyết áp
- Rối loạn dung nạp glucose: là tình trạng đường huyết cao hơn bình thường, nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường
 
3. TRIỆU CHỨNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2
- Giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng rõ ràng và bệnh nhân không nhận biết được bệnh.
- Khi bệnh tiến triển sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Khát nước, uống nhiều nước, tiểu nhiều
- Hay bị nhiễm trùng
- Cảm giác mệt mỏi, sụt giảm cân nặng
- Mờ mắt
- Da khô và ngứa
- Cảm giác tay chân giảm, dị cảm


4. BIẾN CHỨNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2
- Biến chứng mạch máu nhỏ:
+ Ở đáy mắt: còn gọi là bệnh võng mạc do đái tháo đường: Gây giảm thị lực tăng dần, có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn
+ Ở thận: Còn gọi là bệnh thận do đái tháo đường, nặng nhất là suy thận nếu không điều trị kịp thời.

- Biến chứng thần kinh còn gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường: Thường là thần kinh ngoại biên gây ra giảm cảm giác, tê bì, nóng rát hay gặp ở bàn ngón chân, bàn tay, nguy cơ loét bàn chân, dẫn đến cắt cụt chân do đái tháo đường.

- Biến chứng mạch máu lớn:
+ Đột quỵ (do thiếu máu não, xuất huyết não) hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.
+ Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim
+ Bệnh mạch máu ngoại vi: Tắc mạch chi, có thể hoại tử dẫn đến đoạn chi





5. CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2
- Đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dl hay 7 mmol/l.
- Bệnh nhân phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ, không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội, thường phải nhịn đói qua đêm từ 8-14 giờ.
- Bác sỹ chuyên khoa Tim mạch - Nội tiết sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, yếu tố nguy cơ bệnh và đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp.






6. ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2
- Điều chỉnh lối sống và sinh hoạt:
+ Chế độ ăn: Giảm tinh bột, ăn nhiều chất xơ: rau, quả và ngũ cốc nguyên hạt. Chia lượng ăn trong ngày thành nhiều bữa để không gây tăng đường huyết sau khi ăn. Trong đó, bữa sáng chiếm 20% năng lượng khẩu phần, bữa trưa chiếm 40% và bữa tối chiếm 40%, nên kiêng các thức ăn cung cấp đường nhanh: đường, trái cây ngọt, bánh kẹo, nước ngọt.
+ Giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng nhiễm trùng. 
+  Sinh hoạt điều độ, tránh rượu, bỏ thuốc lá.
+ Cần chú ý giảm cân nếu có béo phì hoặc thừa cân bằng chế độ ăn giảm năng lượng và tập thể dục.
+ Nên tăng cường tập luyện thể lực (đi bộ, chạy, bơi..).
- Dùng thuốc: Tùy cơ địa bệnh nhân, bác sỹ chỉ định dùng thuốc phù hợp và điều chỉnh liều để ổn định đường huyết, các nhóm thuốc

+  Thuốc làm giảm đề kháng insulin ở ngoại biên.

+  Thuốc kích thích tiết insulin.

+  Thuốc làm tăng đào thải đường qua nước tiểu.

+  Insulin tiêm. 





- Điều trị biến chứng ĐTĐ type 2./.


* Đọc thêm:


Phổ biến trong tuần

Tin mới